[X]

Đăng ký học online

Chọn các khóa học cần đăng ký:

Điền đầy đủ thông tin:

Họ tên :
Email:
Điện thoại :
Mã xác nhận :
Ghi chú:

Sinh viên 5 trường bàn về sở hữu trí tuệ

03/05/2019

Hội nghị khoa học sinh viên về Sở hữu trí tuệ lần thứ 9 vừa diễn ra ngày 20/4 vừa qua với sự phối hợp tổ chức giữa Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Đây là hoạt động hợp tác thường niên giữa hai đơn vị nhằm tạo sân chơi học thuật cho sinh viên các trường có mối quan tâm đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ và hướng tới kỷ niệm n gày Sở hữu trí tuệ Thế giới 20/4.

GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV)

Hội nghị có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV), ông Lê Tất Chiến (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ).

Hội nghị năm nay thu hút hơn 30 báo cáo khoa học của sinh viên đến từ 6 đơn vị: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Luật (ĐH Huế) và thành viên mới là Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Ông Lê Tất Chiến (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ)

Các sinh viên tham gia báo cáo nghiên cứu khoa học được đánh giá là đã thể hiện tốt bản lĩnh, sự tự tin, hiểu biết về nội dung nghiên cứu của mình và trình bày vẫn đề mạch lạc, rõ ràng. Với nguyên tắc “Sinh viên là người làm chủ”, sau mỗi phần thuyết trình là phần phản biện, đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi giữa các sinh viên. Các kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng tư duy, làm việc độc lập, sự đầu tư nghiêm túc vào đề tài của các nhóm sinh viên.

Hội nghị là hoạt động thể hiện sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu với hoạt động đào tạo; thông qua đó không chỉ khích lệ tinh thần sáng tạo, khả năng học hỏi của sinh viên mà còn tác động tích cực tới hiệu quả đào tạo, đặc biệt là lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (SHTT) - lĩnh vực mang tính thời sự của Việt Nam hiện nay. Hội nghị còn là cơ hội kết nối các nhà khoa học, các sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp quan tâm tới SHTT, hướng tới nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội nghị đã trao 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 03 giải Khuyến khích cho các nhóm tác giả.

- Giải Nhất: “Hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử - Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam”, nhóm tác giả Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Nữ Hồng Dương, Nguyễn Thị Thùy Linh (Đại học Luật Hà Nội).

- Giải Nhì:

+ “Bảo hộ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo – Những thách thức và giải pháp hoàn thiện pháp luật”, nhóm tác giả Vũ Hoàng Anh, Bùi Hà Phương, Đặng Ngọc Linh (Đại học Luật Hà Nội).

+ “Hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp tại Việt Nam”, nhóm tác giả Trần Văn Nhật, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Phương Thảo, Trần Mỹ Hạnh, Lê Thị Phương Lan (Đại học Ngoại thương).

- Giải Ba:

+ “Ứng dụng sáng chế số “US3861053A METHOD FOR DRYING AND PRESERVING PLANT MATERIA” để nâng cao hiệu quả sấy và bảo quản thảo quả sau thu hoạch tại huyện Sa Pa”, Vũ Thị Nga (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN).

+ “Phát huy vai trò của nhà cung cấp dịch vụ Internet nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ Quyền tác giả trong môi trường Internet tại Việt Nam”, Mai Thị Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQGHN).

+ “Pháp luật về quyền tác giả, đồng tác giả - liên hệ thực tiễn đến các vụ tranh chấp tại Việt Nam”, nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Duyên, Lừ Thị Oanh, Đỗ Mai Phương Trinh, Vanessa Sphabmixay (Trường Đại học Kinh tế quốc dân).

- Giải Khuyến khích:

+ “Ứng dụng sáng chế không có hiệu lực bảo hộ tại Việt Nam sáng chế số CN103947747A COMPOUND PRESERVTIVE FOR CITRUS AND PREPARATION METHOD THEREOF”, nhóm tác giả Phan Thị Sương, Lê Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Hà (Đại học Luật, Đại học Huế).

+ “Quyền tác giả đối với chương trình phát sóng nhìn từ vụ tranh chấp bản quyền đối với tác phẩm “ĐẤU SĨ THIÊN VƯƠNG”, nhóm tác giả Phạm Thị Hồng Diệp, Nguyễn Đại Dũng, Nguyễn Tùng Dương, Vũ Thị Đào, Nguyễn Thị Thùy Dung (Đại học Kinh tế quốc dân).

+ “Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Thực trạng và kiến nghị hoàn thiện”, Trần Thị Trà My (K3 Luật C, Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam).

Năm nay, hai nhà tài trợ là công ty Luật TNHH Link & Partners và Văn phòng Luật sự Advacas còn trao thêm 02 giải Ứng dụng cho các đề tài mang tính thực tiễn cao. Đó là:

+ “Ứng dụng sáng chế số “US3861053A METHOD FOR DRYING AND PRESERVING PLANT MATERIA” để nâng cao hiệu quả sấy và bảo quản thảo quả sau thu hoạch tại huyện Sa Pa” của Vũ Thị Nga (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN).

+ “Ứng dụng sáng chế không có hiệu lực bảo hộ tại Việt Nam sáng chế số CN103947747A COMPOUND PRESERVTIVE FOR CITRUS AND PREPARATION METHOD THEREOF” của nhóm tác giả Phan Thị Sương, Lê Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Hà (Đại học Luật, Đại học Huế).

Một số chia sẻ của các thầy cô và các bạn sinh viên sau Hội nghị:

GS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV): Hội thảo là cơ hội để các bạn trẻ quan tâm đến SHTT kết nối với nhau  

Hội nghị NCKHSV về Sở hữu trí tuệ năm nay đề cập đến nhiều vấn đề với nhiều cách tiếp cận khác nhau trong lĩnh vực SHTT, đặc biệt là hướng nghiên cứu ứng dụng khai thác thông tin sáng chế phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, các vấn đề SHTT gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Các bạn trẻ tại đây chính là những nhân tố cốt lõi cho tương lai của ngành SHTT Việt Nam. Các em mang tinh thần của tuổi trẻ, của học phong, của trí tuệ để đề cập và giải quyết một vấn đề lớn mà đất nước ta đã, đang phải đối diện trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay.

Hội nghị không chỉ là cơ hội để các em chia sẻ với nhau về quan điểm, kiến thức, sự hiểu biết về SHTT mà đây còn là diễn đàn học thuật kết nối các em trong cộng đồng quan tâm đến SHTT và tiến tới có thể hợp tác, triển khai những dự án về SHTT trong tương lai.

PGS.TS Trần Văn Hải (Trưởng bộ môn Sở hữu trí tuệ, Khoa Khoa học quản lý, Trường ĐHKHXH&NV): Internet và Khởi nghiệp là điểm nhấn của hội nghị năm nay

Chủ đề liên quan tới Internet và Khởi nghiệp là điểm nhấn của hội nghị năm nay. Các em sinh viên đã nắm bắt được những vấn đề “nóng” trong xã hội hiện tại và phản ánh nó, đưa nó vào hoạt động học tập, nghiên cứu của mình. Có thể thấy, các em đã biết ứng dụng kiến thức học tập vào thực tế và biết dùng lý thuyết học tập để lý giải các vấn đề của xã hội.

Nguyễn Thị Thùy Linh (Trường Đại học Luật Hà Nội), Giải nhất NCKHSV về SHTT 2019: Tìm ra câu trả lời cho vấn đề nghiên cứu là điều tuyệt vời nhất

Được cô dạy ở trường giới thiệu về hội nghị, nhóm mình đã đăng kí tham gia và chọn nghiên cứu về vấn đề thuộc mảng hoạt động thương mại điện tử đang rất phát triển hiện nay. Thương mại điện tử ra đời đã góp phần cách mạng hóa hoạt động kinh doanh và thói quen thiêu dùng. Không chỉ người trẻ mà cả những người ở độ tuổi trung niên cũng bắt đầu mua hàng online. Điều đó kéo theo yêu cầu về khung hành lang pháp lý cho hoạt động này cần có sự điều chỉnh thích hợp. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng gặp phải nhiều rào cản trong phát triển. Nhiều đối tượng đã lợi dụng khe hở trong việc kiểm soát, lợi dụng không gian này để xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, gây thiệt hại trực tiếp cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng. Nhìn thấy bạn bè, người thân nhiều lần bị lừa vì tình trạng xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu chính là động lực thúc đẩy chúng mình lựa chọn đề tài này.

Sinh viên Nguyễn Thị Thùy Linh (ngoài cùng bên phải)

Cũng rất khó khăn cho nhóm khi đây là đề tài rất mới. Nghiên cứu khoa học về thương mại điện tử, đặc biệt là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trên nền tảng thương mại điện tử còn quá ít nên nhóm không có nhiều tài liệu để tham khảo. Hoàn thành được nghiên cứu, quá trình tìm tòi nghiên cứu, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề mà bản thân đặt ra trong nghiên cứu chính là điều tuyệt vời nhất với nhóm. Đến với Hội thảo, nhóm mình đã có thêm cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các bạn đến từ các trường khác cùng có sự quan tâm đến chủ đề này. Những ý kiến nhận xét, những câu hỏi của các bạn, của hội đồng giám khảo đã gợi mở cho chúng mình nhiều điểm nhận thức mới về SHTT.

Vũ Thị Nga  (Trường ĐHKHXH&NV), Giải Ứng dụng và Giải Ba NCKHSV về SHTT 2019: Khảo sát nghiên cứu kết hợp đi từ thiện

Để làm khảo sát, mình phải đi thực tới bản Dền Thàng (Séo Mý Tỷ - Sa Pa – Lào Cai) và bản Tả Phìn (Tả Phìn – Sa Pa – Lào Cai). Dù rất khó khăn nhưng đây cũng chính là trải nghiệm thú vị nhất trong quá trình theo đuổi đề tài của mình.

Đoạn đường thực tế hết sức khó khăn, đá sỏi lởm chởm lại nằm rất sâu dưới thung lũng. Không sóng điện thoại, không mạng wifi với một sinh viên như mình thật sự rất lạ lẫm. Bù lại, bà con dân bản rất nhiệt tình, hồ hởi, còn nấu cơm cá hồi, rau bản cho mình ăn nữa. Chuyến đi Sa Pa khảo sát của mình cũng là chuyến đi từ thiện cá nhân giúp đỡ các em nhỏ dân tộc ở Sa Pa nữa. Mình đem dép, quần áo cũ và bánh kẹo từ  thị trấn Sa Pa đem xuống bản Dền Thàng – bản xa và khó khăn nhất của huyện sa Pa cho các em.

Sinh viên Vũ Thị Nga (bên trái)

Lên sa Pa, mình biết tới thảo quả - loài cây dược liệu và thực phẩm đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho bà con nhân dân vùng núi Sa Pa. Tiềm năng của thảo quả là rất lớn. Tuy nhiên, phương thức canh tác, quy trình sấy và bảo quản thảo của bà con còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Phần lớn bà con chỉ phơi nắng thảo quả. Các hộ gia đình có sử dụng phương pháp sấy giúp thúc đẩy quá trình loại nước của thảo quả bẳng cách dựng lán và đốt củi ngay trên nương. Tuy nhiên lượng củi tiêu tốn lượng rất lớn. Để được 1 tạ thảo quả khô, phải mất ít nhất 2 mét khối gỗ. Thảo quả sau khi sấy khô giòn, màu sắc, hương vị đều có sự hao hụt, quả dễ vỡ. Sau khi sấy, bà con đóng bao, cho lên gác bếp để tận dụng khói bếp để hạn chế mối mọt, côn trùng. Tuy nhiên nếu tích trữ trong thời gian lâu dai thì tình trạng mối mọt vẫn sẽ xuất hiện. Đó là nguyên nhân, rào cản tương đối lớn cản trở quá trình xuất khẩu thảo quả sang các nước khác trong khu vực, trên thế giới và thiệt hại đối với kinh tế của bà con dân bản.

Nghiên cứu của mình đem đến một giải pháp giúp tăng thời gian bảo quản của thảo quả, hạn chế hao hụt về khối lượng, lưu giữ được màu sắc, hương vị vốn có của thảo quả. Đó là việc áp dụng một sáng chế đã hết hạn đăng ký Sở hữu trí tuệ và trở thành tài sản chung của xã hội.

Nguyễn Thị Thương (Trường Đại học Luật, Đại học Huế), Giải Ứng dụng và Giải Khuyến khích NCKHSV về SHTT: Nghiên cứu bảo quản cam Vinh là một trải nghiệm đáng nhớ

Hội nghị đã cho chúng mình những kỷ niệm rất thú vị. Để tìm ra công thức hoàn hảo nhất áp dụng cho việc bảo quản cam canh, nhóm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ, trực thuộc Đại học Huế để tiến hành thí nghiệm. Nghiên cứu cây quả với Viện thường chỉ có sinh viên Nông-Lâm, nay lại là sinh viên Luật, thực sự là một trải nghiệm mới đầy hứng khởi.

Sinh viên Nguyễn Thị Thương (thứ hai từ trái sang)

Cam canh là loại cây trồng mang đến hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân ở các vùng như Hà Giang, Hòa Bình và đặc biệt là tỉnh Nghệ An  - một trong những cái nôi sản xuất cam chất lượng nhất cả nước. Quả cam Vinh có màu vàng chanh pha với màu xanh chứ không phải màu vàng da cam, quả tròn đều, mọng nước. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, với cách bảo quản truyền thống là phủ bạt, vùi vào cát… quả nhanh chóng bị hao hụt, dễ bị thối, úng, chín không đồng đều khó kiểm soát, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sản lượng sau thu hoạch. Những gia đình, doanh nghiệp, trang trại đều cần một giải pháp bảo quản cam khắc phục được những nhược điểm trên.

Giải pháp nhóm tác giải đưa ra đó là sử dụng một sáng chế đã hết hạn đăng kí Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vào bảo quản cam. Cùng với sự phối hợp hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ, nhóm đã phải làm thí nghiệm rất nhiều lần để tìm ra được công thức tối ưu nhất dành riêng cho cam Vinh. Mong là nghiên cứu đến với hội thảo sẽ nhận được sự quan tâm từ các tổ chức, doanh nghiệp, hỗ trợ đưa nghiên cứu vào áp dụng thực tế, đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp.


Đối tác