Để đáp ứng nhu cầu xã hội, Khoa Khoa học Quản lý đã tiến hành xây dựng Chương trình Đào tạo Chất lượng cao (CTĐT CLC) ngành Khoa học Quản lý theo hướng dẫn của Thông tư 23/2014/TT của Bộ GD&ĐT. Chương trình này được xây dựng, thiết kế có tính định hướng khác biệt, đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn và yêu cầu về chuẩn đầu ra cao hơn các chương trình hiện có, nhằm đáp ứng những đòi hỏi về nhu cầu nguồn nhân lực CLC của xã hội và được thu phí theo chất lượng đào tạo.
- Tên chương trình đào tạo : Chương trình đào tạo chất lượng cao thu học phí theo chi phí đào tạo và đảm bảo chất lượng đáp ứng thông tư 23/2014/TT-BGDĐT
- Ngành đào tạo: Khoa học Quản lý
- Mã số: 7340401
1. Năm được giao nhiệm vụ đào tạo
Trước đòi hỏi của đất nước đối với nguồn nhân lực quản lý, ngày 30/9/2002, Giám đốc ĐHQGHN ký quyết định số 652/TCCB thành lập Bộ môn Khoa học Quản lý trực thuộc Trường ĐHKHXH&NV, trên cơ sở hợp nhất Bộ môn Quản lý xã hội (thuộc Khoa Triết học) và Bộ môn Khoa học luận (thuộc Khoa Xã hội học). Sau đó, vào ngày 11/8/2006, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định số 782/QĐ-TCCB về việc thành lập Khoa Khoa học quản lý. Khoa có chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo đại học, sau đại học và NCKH về KHQL trong đó có năm lĩnh vực chính: Quản lý hành chính cấp cơ sở, Quản lý nguồn nhân lực, Chính sách xã hội, Quản lý Sở hữu trí tuệ, Quản lý Khoa học và Công nghệ.
Hàng năm, Khoa Khoa học Quản lý tuyển sinh 120 sinh viên hệ chính quy (trong đó 30 sinh viên hệ cử nhân chất lượng cao) và khoảng số lượng tương ứng sinh viên hệ tại chức, năm học 2007-2008 và 2008-2009; 2009-2010; 2010-2011 số hồ sơ của thí sinh dự thi vào ngành Khoa học quản lý luôn đứng đầu Trường ĐHKHXH&NV. Trong những năm trở lại đây, do sự thay đổi về nhu cầu của thị trường lao động đối với lĩnh vực xã hội và nhân văn, số lượng sinh viên trúng tuyển ngành Khoa học quản lý trung bình là 100 sinh viên, trong đó hệ chất lượng cao có khoảng 25 sinh viên, tuy nhiên số lượng hồ sơ dự tuyển của Khoa KHQL luôn nằm trong nhóm đứng đầu của Nhà Trường. Năm 2018 đã có 130 sinh viên xác nhận nhập học đạt tỷ lệ 118,18% so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao.
Trải qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Khoa Khoa học Quản lý không ngừng phát triển, đa dạng về ngành học, hệ đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn về nhân lực quản lý.
Trải qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong hơn 15 năm qua, Khoa Khoa học Quản lý không ngừng phát triển, đa dạng về ngành học, hệ đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn về nhân lực quản lý. Tổng số bộ môn của khoa là 5: Bộ môn Quản lý xã hội, Bộ môn Quản lý Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Bộ môn Lý luận và phương pháp quản lý, Bộ môn Chính sách công. Tính đến nay, Khoa đã đào tạo 16 khóa SV tốt nghiệp hệ chuẩn (từ K44 đến K59), 11 khóa SV tốt nghiệp hệ CLC (từ K49 đến K59).
Căn cứ nhiệm vụ được giao cũng như nhu cầu thực tiễn của xã hội về nhân lực KHQL, Khoa đã và đang triển khai các CTĐT đa dạng ở các cấp đào tạo cũng như các hướng chuyên ngành nhằm phù hợp với từng nhóm đối tượng theo học. Chương trình học được thiết kế đảm bảo người học được cung cấp thông tin, kiến thức, được rèn luyện phương pháp tư duy cũng như các kỹ năng tác nghiệp, các kỹ năng mềm thông qua các học phần mang tính liên ngành của hoạt động quản lý, phù hợp với các CTĐT quốc tế liên quan. Hiện tại, Khoa đào tạo 01 ngành hệ cử nhân là Khoa học quản lý; 01 chuyên ngành thạc sĩ Quản lý KH&CN; 01 chuyên ngành thạc sĩ Quản lý KH&CN định hướng ứng dụng, 01 chuyên ngành thạc sĩ Khoa học quản lý, 01 chuyên ngành thạc sỹ Chính sách Công, 01 chuyên ngành Tiến sĩ Quản lý KH&CN. Ngoài ra, Khoa đã tiến hành mở các khóa đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ: "Pháp luật và nghiệp vụ sở hữu trí tuệ"; "Bổ túc kiến thức cho đối tượng dự thi sau đại học chuyên ngành Quản lý Khoa học & Công nghệvà chuyên ngành KHQL"; "Kỹ năng phân tích và hoạch định chính sách", Kỹ năng đánh giá nghiên cứu", "Kỹ năng xây dựng và triển khai một đề tài nghiên cứu" (phối hợp đào tạo cùng Viện Chính sách và Quản lý – Trường ĐHKHXH&NV, Quỹ Rosa Luxemburg – Cộng hòa Liên Bang Đức).
Cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ
Ban Lãnh đạo Khoa
Trưởng Khoa: PGS.TS Đào Thanh Trường
Phó Trưởng Khoa: TS Nguyễn Thị Kim Chi
Các Bộ môn
1. Bộ môn Lý luận và Phương pháp quản lý;
2. Bộ môn Quản lý xã hội;
3. Bộ môn Quản lý Khoa học, Công nghệ và Đổi mới
4. Bộ môn Quản lý Sở hữu trí tuệ
5. Bộ môn Chính sách công
Đội ngũ cán bộ
Cán bộ cơ hữu: 17
Giảng viên: 15
Chuyên viên: 02
Giảng viên kiêm nhiệm: 01
Giảng viên thỉnh giảng: 37
Đội ngũ cán bộ quản lý của Khoa Khoa học Quản lý là đội ngũ giàu kinh nghiệm đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra và phù hợp theo Quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT.
Theo chức năng, nhiệm vụ đã được Nhà trường quy định, ngoài chuyên viên của khoa, các phòng/ ban của Nhà trường cũng tham gia vào công tác quản lí và hỗ trợ sinh viên của Chương trình dưới các khía cạnh như:
(i) Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển: hỗ trợ/quản lí sinh viên trong các thủ tục về thực hiện NCKH và trao đổi sinh viên quốc tế.
(ii) Phòng Đào tạo: hỗ trợ/quản lí sinh viên trong đăng ký học phần, hủy học phần, kiểm tra bảng điểm, theo dõi tiến độ học tập và cảnh báo học vụ….
(iii) Phòng Chính trị và Công tác sinh viên: hỗ trợ/quản lí sinh viên vay vốn lãi suất thấp/ không lãi suất để đóng học phí; hỗ trợ/quản lí về công tác học bổng cho sinh viên nghèo, sinh viên có kết quả học tập tốt;
(iv) Phòng Kế hoạch – Tài chính: hỗ trợ/quản lí sinh viên trong việc nộp học phí.
(v) Phòng Hành chính – Tổng hợp: hỗ trợ/quản lí sinh viên trong việc sử dụng phòng học, phòng hội nghị hội thảo phục vụ các hoạt động học tập của NCKH sinh viên.
(vi) Trung tâm Hỗ trợ sinh viên CASA: Hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm thêm, tìm kiếm nhà ở phù hợp, tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng bổ trợ cho sinh viên.
Cán bộ làm việc tại các phòng/ ban/ khoa đều trải qua các quy trình tuyển dụng và quản lý nhân sự đã được xây dựng chặt chẽ, khoa học; công tác tuyển dụng và quản lý, sử dụng cán bộ bám sát các quy trình. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ hỗ trợ sinh viên đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầuvề trình độ và năng lực.
4. Kết quả đào tạo trong 5 năm gần nhất
Kết quả đào tạo là yếu tố quyết định uy tín, chất lượng của cơ sở đào tạo. Là một đơn vị có bề dày truyền thống, Khoa Khoa học Quản lý luôn đảm bảo quy mô đào tạo, số sinh viên tuyển mới đa phần đều đảm bảo chỉ tiêu. Lượng thí sinh có nguyện vọng thi tuyển vào ngành Khoa học Quản lý luôn đứng ở mức cao. Điểm trúng tuyển vào ngành Khoa học Quản lý cũng thường xuyên ở mức cao so với các ngành học khác trong trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đảm bảo sinh viên đầu vào có năng lực học tập chất lượng tốt.
Đa số sinh viên của Khoa hoàn thành chương trình đào tạo đúng thời hạn trong thời gian 4 năm. Thời gian tốt nghiệp trung bình của sinh viên ngành Khoa học Quản lý năm năm gần đây dao động trong khoảng từ 3,5-4 năm và đang có chiều hướng giảm tổng thời gian học tập, tăng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn. Đây là nỗ lực của toàn Khoa để giúp sinh viên có thể hoàn thành chương trình học tập sớm hơn thời gian dự định và có lợi thế nhất định trên thị trường tuyển dụng.
Số sinh viên thôi học ở các khóa tương đối thấp. Trong năm 5 gần đây, số sinh viên thôi học chỉ khoảng 1-2 sinh viên/năm. Với những sinh viên thôi học, trợ lý đào tạo, cố vấn học tập đều có sự trao đổi để nắm bắt tình hình, qua đó hiểu được những khó khăn vướng mắc của sinh viên để có những tư vấn phù hợp cho các em, cũng như có những đề xuất kịp thời với nhà trường. Nguyên nhân dẫn đến việc thôi học chủ yếu do các sinh viên thay đổi định hướng nghề nghiệp tương lai.
Tiến trình học tập, tốt nghiệp và thôi học của sinh viên được quan tâm quản lý tốt. Trên cơ sở những dữ liệu được tổng hợp, Khoa tiến hành phân tích đối sánh để đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, giảm thiểu số lượng sinh viên tốt nghiệp muộn, thôi học.